Bắc Bình: GIẢI PHÁP NÂNG CAO TỶ LỆ NGƯỜI DÂN THAM GIA BẢO HIỂM Y TẾ TỰ NGUYỆN

  • /
  • 23.10.2013 - 15:14

Bảo hiểm y tế tự nguyện là hình thức bảo hiểm do Nhà nước tổ chức thực hiện mang ý nghĩa nhân đạo sâu sắc, giúp giảm chi phí trong quá trình điều trị, và có tính chia sẻ cộng đồng. Tuy nhiên, tỷ lệ người dân tham gia BHYT tự nguyện vẫn còn thấp.

        Theo quy định của Luật BHYT có 25 nhóm đối tượng và được chia thành 5 nhóm theo trách nhiệm đóng BHYT. Đạt tỷ lệ tham gia cao chỉ có nhóm do bảo hiểm xã hội đóng (hưu trí, người có công…) đạt 99,9%, nhóm do ngân sách nhà nước đóng đạt 91,8% và nhóm được ngân sách nhà nước hỗ trợ một phần (hộ nghèo, học sinh, sinh viên)… còn nhóm do người lao động đóng và người sử dụng lao động đóng đạt tỷ lệ thấp (58,8%), nhóm tự nguyện tham gia BHYT chỉ đạt 26%. Đặc biệt có nhóm như hộ cận nghèo được hỗ trợ tối thiểu 50% mức đóng (năm 2011) và 70% (năm 2012) nhưng tỷ lệ đạt vẫn thấp (26%).
        Tại huyện Bắc Bình theo thống kê đến tháng 9/2013 toàn huyện chỉ đạt 51,43% dân số tham gia BHYT so với chỉ tiêu 70% dân số trở lên tham gia BHYT. Trong đó, 03 xã điểm xây dựng nông thôn mới đạt tỷ lệ thấp hơn tỷ lệ bình quân của toàn huyện (Hồng Thái: 47,71%, Phan Rí Thành: 44,94%, Hải Ninh:32,83%). Nhân khẩu cận nghèo được hỗ trợ 95% từ nguồn kinh phí của trung ương, tỉnh và huyện để tham gia BHYT nhưng tỷ lệ vẫn còn thấp.
        Nguyên nhân của thực trạng trên là do một số địa phương, chính quyền chưa nhận thức đầy đủ về công tác BHYT tự nguyện; chưa quan tâm đúng mức đến cống tác tuyên truyền vận động nhân dân tham gia BHYT; một số người dân do chủ quan, điều kiện kinh tế khó khăn, thiếu hiểu biết về lợi ích của bảo hiểm nên chưa tự nguyện tham gia; đồng thời, một số người không có nhu cầu khám, chữa bệnh, mua thẻ BHYT nhiều năm nhưng ít sử dụng vì vậy chưa thấy được lợi ích khi tham gia BHYT. Bên cạnh đó, công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu tại một số cơ sở y tế, trường học chưa được thực hiện đầy đủ; một số mặt chưa tốt, đội ngũ y, bác sỹ còn thiếu; chất lượng khám, chữa bệnh chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân, thủ tục khám, chữa bệnh BHYT phiền hà. Quyền lợi của người tham gia BHYT vẫn bị hạn chế… Tất cả những điều đó đang làm giảm đi tính hấp dẫn, khiến người dân ít tham gia BHYT.
        Trong 19 tiêu chí để xây dựng mô hình nông thôn mới theo Quyết định số 491/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ thì tiêu chí Y tế là tiêu chí số 15 trong mục Văn hoá - Xã hội - Môi trường. Là một tiêu chí không tốn kinh phí của các địa phương để có thể đạt được nhưng đòi hỏi sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát, nỗ lực của cả hệ thống chính trị cơ sở trong công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia bảo đảm đạt tỉ lệ cao nhất. Để làm được điều này, cần phải thực hiện có hiệu quả các giải pháp sau:
       1- Các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận và các tổ chức đoàn thể cần nâng cao nhận thức về ý nghĩa, tầm quan trọng của BHYT cũng như nghĩa vụ của mỗi người dân trong tham gia BHYT.
       2- Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về BHYT bằng nhiều hình thức đa dạng phong phú qua nhiều kênh thông tin nhằm nâng cao nhận thức của các tổ chức, đơn vị, đoàn viên, hội viên và nhân dân thấy rõ mục đích nhân đạo, lợi ích, hiệu quả của bảo hiểm y tế; xem việc tham gia bảo hiểm y tế là một tiêu chí để thực hiện nhiệm vụ thi đua, bảo đảm thực hiện tốt lộ trình bảo hiểm y tế toàn dân; vận động nhân dân tham gia BHYT với phương pháp tuyên truyền sinh động, thông qua những trường hợp dẫn chứng cụ thể, gần gũi đã được hưởng lợi ích từ việc tham gia BHYT.
       3- Chú trọng vận động hộ cận nghèo mua thẻ BHYT theo đối tượng được ngân sách Trung ương và tỉnh hỗ trợ nhằm đảm bảo quyền lợi được thụ hưởng về BHYT.
       4- Thực hiện nghiêm túc các quy định của luật BHYT; chỉ đạo các đại lý bán BHYT tư vấn đầy đủ, cụ thể các quyền lợi của người tham gia BHYT nhằm giúp người dân thấy rõ lợi ích do BHYT mang lại cho bản thân và gia đình.
       5- Bảo hiểm xã hội huyện phối hợp các xã - thị trấn, đại lý bảo hiểm y tế và mạng lưới y tế thôn của Trung tâm y tế rà soát lại các đối tượng đã tham gia BHYT; qua đó, xây dựng kế hoạch cụ thể tiếp tục vận động các đối tượng còn lại tham gia.
       6- Nâng cao chất lượng và đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cho người có thẻ BHYT tại các cơ sở khám chữa bệnh, nhất là trạm y tế các xã là cơ sở khám chữa bệnh ban đầu với tinh thần “Lương y như từ mẫu”; cần thay đổi thái độ phục vụ, có nhiều giải pháp nhằm hạn chế sự chờ đợi của người dân trong quá trình khám chữa bệnh; kịp thời tháo gỡ những khó khăn trong thực hiện quyền lợi và trách nhiệm của người có thẻ BHYT góp phần thiết thực vào việc tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia bảo hiểm.
       7- Thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng khám chữa bệnh với việc đầu tư, mở rộng mạng lưới khám chữa bệnh, đặc biệt là y tế cơ sở thông qua thực hiện Đề án giảm tải bệnh viện, xây dựng gói quyền lợi phù hợp, tăng cường thực hiện xã hội hóa y tế, đa dạng các loại hình khám chữa bệnh, cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ và đáp ứng sự hài lòng của người bệnh.
       8- Tăng cường công tác thanh, kiểm tra thực hiện chính sách BHYT; thực hiện nghiêm các biện pháp xử phạt những cá nhân, tổ chức vi phạm pháp luật về BHYT theo Nghị định số 92/2011/NĐ-CP.
       9- Phòng Giáo dục - đào tạo huyện tiếp tục chỉ đạo Ban giám hiệu các trường đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động học sinh tham gia bảo hiểm y tế.
       10- Ban đại diện cha mẹ học sinh, các ban ngành, đoàn thể trong nhà trường; trong đó vai trò của giáo viên chủ nhiệm trong tuyên truyền chuyển biến nhận thức làm sao cho cha mẹ học sinh hiểu được tính ưu việt của chính sách BHYT là bảo vệ quyền lợi cho học sinh, là chính sách xã hội của Nhà nước mang tính cộng đồng chia sẻ rủi ro không vì mục đích kinh doanh; tham gia BHYT không chỉ là hình thức đề phòng rủi ro bệnh tật và tai nạn bất thường mà còn là biện pháp quan trọng giáo dục tính nhân đạo, lòng nhân ái, chia sẻ nỗi bất hạnh của bạn bè và cộng đồng
       11- Các cơ quan liên quan phối hợp với nhau tổ chức tập huấn cho lực lượng cán bộ y tế học đường trong các trường học nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh tại trường học góp phần tác động tích cực đến công tác tuyên truyền tham gia BHYT. Cán bộ y tế nhà trường phải tận tâm, nhiệt tình, có uy tín, tạo niềm tin trong học sinh và phụ huynh.
        Có thể khẳng định một lần nữa, BHYT là một giải pháp đúng đắn, ưu việt của Nhà nước, có vai trò trụ cột trong hệ thống chính trị an sinh xã hội, vừa ích lợi, vừa nhân đạo. Tham gia BHYT không chỉ giảm bớt gánh nặng chi phí khi ốm đau, tai nạn mà còn mang ý nghĩa an sinh xã hội sâu sắc, thể hiện sự tương thân tương ái, chia sẻ rủi ro giữa người khỏe với người ốm, giữa người trẻ với người già, giữa người có thu nhập cao với người có thu nhập thấp; đồng thời thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước nhằm hướng tới công bằng trong chăm sóc sức khỏe góp phần đảm bảo an sinh xã hội cho mọi người dân. Việc tham gia bảo hiểm y tế là một lợi ích cần phải được tất cả mọi người nhìn nhận và tích cực tham gia góp phần thực hiện lộ trình bảo hiểm y tế bắt buộc toàn dân trong thời gian tới. Để làm được điều này cần có sự chung tay, góp sức của cả hệ thống chính trị thực hiện các giải pháp hữu hiệu tiếp tục phát huy những ưu điểm và hạn chế khuyết điểm trong thời gian qua nhằm tăng tỷ lệ tham gia BHYT tự nguyện trong nhân dân; đồng thời, góp phần xây dựng nông thôn mới.

                                                                           Hoàng Nguyên


  • |
  • 3779
  • |

Các tin khác