Anh hùng Lê Văn Bảng – tấm gương sáng cho thế hệ trẻ ngày nay

Là một chiến sĩ cách mạng, được phong tặng danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, đồng chí Lê Văn Bảng, sinh năm 1927, vẫn luôn là tấm gương sáng cho con cháu noi theo; đồng chí đã, đang và sẽ mãi là người con ưu tú của Tổ quốc và là niềm tự hào của dân tộc.

        Đến thăm ông tại thôn Thái Thuận, xã Hồng Thái, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận; mặc dù đã hơn 90 tuổi nhưng ông vẫn rất minh mẫn và hoạt bát. Ông tự hào giới thiệu cho chúng tôi những danh hiệu mà ông được nhận: 1 Huân chương Chiến công hạng 3, hai lần được bầu là chiến sĩ thi đua cấp Tỉnh, 3 Huân chương Chiến sĩ giải phóng (nhất, nhì và ba); được Ủy ban Trung ương Mặt trận giải phóng và Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa Miền nam Việt Nam tặng Huân chương Quân công giải phóng hạng 3 và danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng”, ngày 17 tháng 9 năm 1967; nhân dịp kỷ niệm 40 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (1944 - 1984), đồng chí được tặng thưởng Huân chương chiến công hạng nhất và Huy chương quân kỳ Quyết thắng.

        Hiện đồng chí là một trong số các anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân được tuyên dương của huyện Bắc Bình vẫn còn sống. Ông kể lại: “quê quán tôi ở xã Mỹ Hội, huyện Mỹ Khê, tỉnh Quảng Ngãi; tôi vào Bình Thuận làm ăn sinh sống, sau đó nhập ngũ tháng từ 6/1948 vào Đại đội đặc công tỉnh Bình Thuận và được kết nạp Đảng cộng sản Việt Nam; trong quá trình tham gia cách mạng, tôi luôn luôn trung thành và tin tưởng tuyệt đối vào Đảng, vào Bác Hồ, hăng hái chiến đấu, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được phân công trên mọi cương vị và trong mọi tình huống”. Thật vậy, trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân pháp, đồng chí đã tham gia gần 60 trận đánh lớn nhỏ, diệt được nhiều sinh lực địch và thu nhiều vũ khí. Năm 1954, khi hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết đồng chí được phân công ở lại tiếp tục hoạt động tại địa phương. Từ cuối năm 1954 trở đi, với nhiệm vụ làm liên lạc với cơ sở, mặc dù bị quân thù kiểm soát gắt gao và dùng mọi thủ đoạn khủng bố dã man, tàn bạo nhưng đồng chí vẫn vượt qua khó, khăn gian khổ để hoàn thành nhiệm vụ. Do hoạt động trong điều kiện gian khổ, ác liệt, sức khỏe ngày càng giảm sút, bệnh tật càng nặng, nên cuối năm 1957, đồng chí được ra miền Bắc điều trị. Sau khi sức khỏe hồi phục, đồng chí được tổ chức phân công về tham gia lao động sản xuất ở nông trường Sao Vàng, Thanh Hóa. Khi về lại miền Nam tiếp tục chiến đấu, đồng chí được phân công về lại chiến trường Bình Thuận. Từ năm 1961 đến năm 1967, đồng chí đã tham gia chiến đấu hơn 30 trận, tự mình diệt 40 tên, bắt sống 16 tên, thu 40 súng các loại (có 2 trung liên), góp phần cùng đơn vị lập công xuất sắc. Là một cán bộ chỉ huy dũng cảm, mưu trí sáng tạo, gương mẫu và hết lòng thương yêu đồng chí, đồng đội. Trong các trận đánh, đồng chí thường đi trước về sau, nắm chắc tình hình, xử lý linh hoạt, gặp trường hợp khó khăn phức tạp đến đâu đồng chí cũng cương quyết hoàn thành nhiệm vụ và làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ.

        Trở về với cuộc sống thời bình, ông lập gia đình và có một người con trai; mặc dù sức khỏe đã giảm sút nhưng ông vẫn tích cực tham gia các hoạt động tại địa phương. Những tưởng cuộc sống sẽ êm ấm vui vầy cùng con cháu, nhưng nhiều sự cố lại ập xuống gia đình ông. Hiện nay, nguồn kinh tế chính của gia đình ông đều nhờ vào đứa cháu trai. Hằng ngày, ông và vợ phải tự mình chăm sóc cho người con trai và đứa cháu gái bệnh tật; thời gian rảnh ông phụ giúp cháu trai mình trồng cỏ, nuôi bò.

        Gác lại những trang sử vẻ vang chiến đấu cùng đồng đội; mỗi ngày của ông trôi qua vẫn thế; chăm con, chăm cháu, phụ giúp kinh tế gia đình. Cuộc sống vất vả là thế nhưng ông vẫn luôn lạc quan, vẫn nổ lực sống tốt, sống có ích, vẫn là tấm gương sáng để con cháu noi theo. “Còn sức khỏe tôi sẽ còn làm”, đó là câu nói khi chia tay với chúng tôi./.


Các tin khác