Đôi điều rút ra trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cơ sở của Trung tâm Bồi dưỡng Chính trị huyện Bắc Bình

  • /
  • 7.4.2013 - 10:42

Cán bộ cơ sở là người trực tiếp tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và quần chúng nhân dân thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân, trực tiếp giải quyết yêu cầu, nguyện vọng chính đáng và những khó khăn vướng mắc của đoàn viên, hội viên, của nhân dân, đồng thời phản ánh kịp thời những băn khoăn, kiến nghị của nhân dân với Đảng và Nhà nước, tạo nên mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân. Sự lãnh đạo đúng đắn cũng như uy tín của Đảng và Nhà nước thể hiện trực tiếp và trước hết là ở lòng tin của nhân dân vào đội ngũ cán bộ ở cơ sở.

 

Trên cơ sở chức năng và nhiệm vụ của Trung Tâm Bồi Dưỡng Chính Trị (BDCT) là đào tạo, bồi dưỡng về lý luận chính trị; quản lý Nhà nước; kỹ năng nghiệp vụ công tác Đảng, chính quyền, mặt trận và các đoàn thể chính trị- xã hội, đồng thời là công cụ quan trọng để tuyên truyền hệ tư tưởng, các quan điểm, chủ trương đường lối của Đảng, phổ biến chính sách và pháp luật của Nhà nước đến đội ngũ cán bộ đảng viên và quần chúng ưu tú của hệ thống chính trị ở cơ sở, qua đó đến cộng đồng dân cư để nâng cao nhận thức, củng cố vững chắc niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng và tạo sự đồng thuận trong cán bộ, đảng viên và nhân dân; đồng thời góp phần đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay.”
Việc tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ của Trung tâm BDCT trong thời gian qua bên cạnh những thuận lợi cơ bản, tuy nhiên cũng có những khó khăn trở ngại nhất định đó là: Nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng ngày càng đa dạng và phải gắn với thực tiễn cơ sở, nhưng điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ và biên chế chưa đáp ứng theo quy định; chế độ chính sách đãi ngộ dành cho cán bộ công tác ở Trung tâm còn nhiều bất cập. Song với phương châm giáo dục, xây dựng con người toàn diện, xác định rõ mục tiêu đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ cơ sở và quần chúng ưu tú trên cả 3 mặt: Tri thức, kỹ năng thực hành và phẩm chất đạo đức; đã chủ động bám sát sự chỉ đạo của cấp ủy và chính quyền cũng như phối hợp chặt chẽ đồng bộ với các cấp ủy cơ sở và các ban ngành liên quan, đồng thời cán bộ và viên chức của Trung tâm BDCT thực hiện nghiêm túc nội dung việc cần làm ngay “Mỗi cán bộ, đảng viên là tấm gương sáng về ý thức rèn luyện phấn đấu và tinh thần trách nhiệm, tận tụy trước công việc được giao để hoàn thành nhiệm vụ chính trị của đơn vị”; Từng bước đổi mới phương pháp truyền đạt và hình thức quản lý lớp học, thực hiện đúng và đầy đủ theo quy chế giảng dạy, tổ chức chặt chẽ và bảo đảm chu đáo từng khâu trong quy trình lớp học; khơi dậy và phát huy tính tích cực cũng như đề cao vai trò tự giác của người học, mạnh dạn áp dụng phương pháp rút đề thi và kiểm tra ngẫu nhiên để bảo đảm tính khách quan, trung thực và đánh giá đúng thực chất kết quả học tập; bố trí, sắp xếp các lớp học dành cho cán bộ Mặt trận và các đoàn thể cơ sở vào thời điểm thích hợp (mùa khô) cho phù hợp với tính chất mùa vụ của địa bàn dân tộc, miền núi và thuần nông để bảo đảm đúng đối tượng, đủ số lượng và người học an tâm tập trung trong suốt thời gian học tập; đối với các đối tượng là quần chúng ưu tú tham dự lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng đã chủ động chia thành từng nhóm đối tượng như: Nhóm đối tượng dành cho quần chúng ưu tú là giáo viên bậc THPT và THCS; nhóm đối tượng dành cho giáo viên bậc tiểu học và mẫu giáo mầm non; nhóm đối tượng dành cho quần chúng ưu tú là công chức, viên chức các cơ quan ban ngành cấp huyện; nhóm đối tượng dành cho quần chúng là công chức cấp xã - thị trấn và trên địa bàn dân cư, từ đó tạo điều kiện thuận lợi trong việc truyền đạt của giảng viên cũng như phù hợp với trình độ chuyên môn, trình độ học vấn, khả năng tiếp thu của từng nhóm đối tượng. Chính từ các yếu tố tổng hợp đó, trong năm qua đã mở được 23 lớp đào tạo, bồi dưỡng cho 1816 học viên, kết quả cuối khóa tỉ lệ khá giỏi đạt từ 54->83% ( kế hoạch đề ra từ 15 -> 20 lớp) đồng thời tổ chức quán triệt học tập các nghị quyết của Đảng; thông tin thời sự về tình hình biển đông; bồi dưỡng chính trị hè cho đội ngũ giáo viên; triển khai học tập 1 số tác phẩm của Chủ tịch Hồ Chí Minh gồm 48 lớp với 6343 lượt cán bộ - đảng viên và công chức, viên chức tham dự. Ngoài ra còn phối hợp với Trường Chính trị tỉnh mở 1 lớp Trung cấp chính trị - hành chính gồm 81 học viên đã học xong chương trình và chuẩn bị tổng kết bế giảng; tiếp tục duy trì việc tổ chức khảo sát thông qua phát phiếu xin ý kiến trực tiếp người học ở 6 lớp với 491 phiếu nhằm nắm bắt thông tin và ý kiến đánh giá, nhận xét từ phía học viên về 12 nội dung liên quan đến công tác giảng dạy và tổ chức lớp học, qua đó từng bước nâng cao khả năng truyền đạt của từng giảng viên cũng như các nội dung trong công tác đào tạo bồi dưỡng của Trung Tâm để rút kinh nghiệm và nâng dần về chất lượng trong thời gian đến.
Bên cạnh việc bảo đảm đầy đủ nội dung chương trình theo hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Trung ương, Trung tâm đã mạnh dạn tổ chức lớp bồi dưỡng về nội dung, phương pháp quy trình “xử lý tình huống” dành cho đối tượng là Bí thư chi bộ và cấp ủy viên cơ sở; cán bộ phụ trách công tác dân vận ở cơ sở, sau khi học viên được tiếp thu về mục đích, yêu cầu, phương châm, phương pháp, quy trình các bước và các tình huống giả định, lớp học sẽ được chia theo tổ để trao đổi thảo luận; lựa chọn những học viên có kinh nghiệm từ thực tiễn ở cơ sở chủ trì và điều hành thảo luận tổ; phân công giảng viên của Trung tâm và mời đồng chí lãnh đạo ban Đảng có liên quan cùng dự tại tổ để theo dõi, nắm bắt tình hình; kết thúc thảo luận dành thời gian thỏa đáng để đối thoại và nhận xét, giải đáp thống nhất chung đối với từng tình huống cụ thể. Qua trao đổi, thảo luận có nhiều ý kiến tham gia hết sức phong phú, sinh động được tích lũy và rút ra từ thực tiễn công tác ở cơ sở, qua lớp học giúp cho cán bộ cơ sở nắm chắc nội dung các bước, phương châm, phương pháp, yêu cầu để nghiên cứu vận dụng vào thực tiễn và được học viên tâm đắc, đánh giá cao nội dung phương pháp này, qua đó Trung tâm tiếp tục hoàn thiện đề cương bài giảng “quy trình xử lý tình huống” và các tình huống giả định theo yêu cầu của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy để các Trung tâm BDCT góp ý hoàn thiện và tham khảo vận dụng thực hiện.
Từ những kinh nghiệm và giải pháp đó đã thực hiện vượt kế hoạch nhiệm vụ chính trị được giao và góp phần nâng cao hơn về mặt nhận thức chính trị, kỹ năng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ cơ sở để nghiên cứu vận dụng vào điều kiện thực tiễn tại địa phương cơ sở, đồng thời qua đó củng cố vững chắc thêm niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng góp phần ổn định tình hình ngay tại địa bàn cơ sở, thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội của huyện nhà.
Trong thời gian tới, tiếp tục phát huy những kinh nghiệm và các giải pháp để góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cơ sở, trước hết cần bám sát hướng dẫn về nội dung chương trình của Ban Tuyên giáo Trung ương và sự lãnh, chỉ đạo của cấp ủy, phối kết hợp chặt chẽ với các cơ quan, ban ngành liên quan để chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện đồng thời triển khai thực hiện tốt một số vấn đề sau đây:
            Một là: Chủ động sắp xếp bố trí thời điểm, thời gian mở lớp thích hợp đối với từng nhóm đối tượng và phù hợp với khả năng tiếp thu, trình độ chuyên môn, trình độ học vấn cũng như đặc điểm công việc và điều kiện có tính chất mùa vụ của địa bàn dân tộc miền núi và thuần nông để mở lớp bảo đảm đủ số lượng, đúng đối tượng, qua đó vừa tuân thủ đầy đủ về nội dung chương trình và vừa phù hợp với từng nhóm đối tượng, đồng thời bố trí được nội dung quy trình “xử lý tình huống” để nâng cao kỹ năng giải quyết vấn đề nảy sinh ngay từ cơ sở.
            Hai là: Tiếp tục phát huy khả năng hiện có của đội ngũ giảng viên kiêm chức; cung cấp thông tin, tài liệu giáo trình và tham mưu với cấp ủy cử giảng viên kiêm chức tham gia các đợt bồi dưỡng, tập huấn để nâng cao chất lượng và khả năng truyền đạt đồng thời kiến nghị mua sắm trang thiết bị, từng bước ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác giảng dạy đáp ứng yêu cầu hiện nay.
            Ba là: Duy trì công tác quản lý các lớp học chặt chẽ, khoa học và nề nếp, đồng thời cải tiến phương pháp giảng dạy và tổ chức lớp học theo hướng đối thoại, dành thời gian thỏa đáng thông qua trao đổi thảo luận để phát huy tính tích cực sáng tạo của người học và lấy người học làm trung tâm.
            Bốn là: Tiếp tục duy trì việc lấy ý kiến thông qua phiếu góp ý (không cần ký tên) của học viên và được thực hiện đa dạng hơn ở các lớp cũng như học viên sau khi học xong về địa phương cơ sở công tác để kịp thời rút kinh nghiệm trong công tác giảng dạy và tổ chức các lớp học.
            Năm là: Chủ động, tích cực tham mưu, đề xuất, kiến nghị với cấp ủy và chính quyền quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và mua sắm các trang thiết bị phục vụ hoạt động của Trung tâm theo lộ trình đề án “Xây dựng mô hình tổ chức, cơ sở vật chất và trang thiết bị Trung tâm bồi dưỡng Chính trị cấp huyện” theo Quyết định số 671-QĐ/TU, ngày 22/8/2012 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
            Sáu là: Thực hiện nghiêm túc nội dung việc cần làm ngay của Trung Tâm “Mỗi cán bộ, đảng viên là tấm gương sáng về ý thức rèn luyện phấn đấu và tinh thần trách nhiệm, tận tụy trước công việc được giao để hoàn thành nhiệm vụ chính trị của đơn vị”./.
 
           
                                                                Nguyễn Như Đông
                                             Trung Tâm Bồi Dưỡng Chính Trị Bắc Bình
                                                                             
 
 
 
 
 
 
           
 

  • |
  • 903
  • |

Các tin khác