Bắc Bình: kết quả 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

  • /
  • 29.3.2013 - 16:6

Bắc Bình là huyện miền núi của tỉnh Bình Thuận, có số dân 121.800 người với 18 dân tộc anh em cùng chung sống. Trong 15 năm qua, cùng với những khởi sắc về kinh tế - xã hội, đời sống nhân dân các vùng được cải thiện đáng kể, các vấn đề văn hoá - xã hội từng bước có chuyển biến về chất; đặc biệt trên lĩnh vực văn hóa, nhờ có Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc mà nhận thức của cán bộ và nhân dân về tầm quan trọng của công tác bảo tồn văn hóa dân tộc đã được nâng cao; tác động to lớn đến sự chăm lo giữa Nhà nước và nhân dân trong công tác bảo tồn và phát huy những giá trị tinh hoa bản sắc văn hóa vật thể và phi vật thể của huyện nhà.

 

Thành quả đầu tiên phải kể đến là nhiệm vụ giáo dục tư tưởng, đạo đức, lối sống, xây dựng con người Việt Nam trong giai đoạn mới luôn được Đảng bộ huyện xác định là nhiệm vụ hàng đầu trong các mặt hoạt động đời sống xã hội. Từ khi Trung ương phát động Cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh ý thức phấn đấu, tu dưỡng rèn luyện theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong cán bộ, đảng viên được khơi dậy và ngày càng tự giác hơn; tinh thần trách nhiệm trong công việc, thái độ phục vụ nhân dân và quan hệ xã hội được đề cao. Các mặt đạo đức và lối sống của các bộ, đảng viên có nhiều chuyển biến tích cực. Các cuộc vận động gây quỹ “đền ơn đáp nghĩa”, “quỹ tình thương”, “quỹ vì người nghèo” được cán bộ và nhân dân tích cực hưởng ứng. Đặc biệt trong chương trình biểu diễn nghệ thuật “Chung một tấm lòng” đã vận động các đơn vị tài trợ gây quỹ vì người nghèo được 3,8 tỷ đồng, góp phần đưa nhiệm vụ xóa nhà tạm bợ, dột nát trên địa bàn huyện về trước kế hoạch. Phong trào “Ông bà mẫu mực, con cháu thảo hiền” ngày càng nhân rộng, hộ gia đình văn hóa ngày càng đi vào chiều sâu, nâng cao số lượng và chất lượng. Các Đình làng, Chùa, Miếu tổ chức lễ hội, theo đó đã thu hút và giáo dục giới trẻ tìm hiểu học tập ý nghĩa truyền thống đạo đức lối sống tốt đẹp của cha ông ta; nhiều địa phương, trường học quan tâm tổ chức sinh hoạt tìm hiểu về lịch sử truyền thống cách mạng của huyện, của xã, của ngành, góp phần giáo dục cho học sinh nâng cao truyền thống yêu quê hương, đất nước.
Công tác phát triển sự nghiệp văn hóa nghệ thuật cũmg được huyện quan tâm chỉ đạo thực hiện đạt được một số kết quả tích cực: hoạt động của chi hội văn nghệ huyện được duy trì; có những tác giả, tác phẩm đạt giải cao cấp tỉnh, khu vực, toàn quốc; hình thành được 08 nhóm câu lạc bộ đờn ca tài tử cải lương giao lưu trong huyện. Bên cạnh đó, hoạt động thông tin cổ động tuyên truyền cũng được chú trọng: 200 kịch bản thông tin đã được dàn dựng theo các chủ đề biểu diễn tuyên truyền ở tất cả các thôn - khu phố, nhất là vùng cao, vùng sâu, vùng xa; kẻ vẽ trên 1.500 m2 Panô, hàng ngàn khẩu hiệu băng rôn tuyên truyền nhiệm vụ chính trị. Phát hành 500 tập nhạc ca ngợi quê hương Bắc Bình và 500 băng đĩa hình ca múa nhạc dân tộc, 500 tập thơ chủ đề “Hoa Xuân” của các tác giả trong huyện; phát hành 500 tập sách giới thiệu văn hoá phi vật thể của huyện,…. Hội diễn nghệ thuật quần chúng “Hội làng”, hội thi làng nghề truyền thống nghề gốm, dệt thổ cẩm đã trở thành ngày hội văn hoá của các dân tộc; các cuộc thi đấu thể thao, thi viết sáng tác văn học nghệ thuật học tập, viết gương người tốt học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh được tổ chức thường xuyên.
Sự nghiệp giáo dục của huyện từng bước chuẩn hóa đáp ứng theo hiện đại. Công tác xã hội hóa giáo dục đạt nhiều kết quả. Toàn huyện đã hoàn thành việc phổ cập giáo dục đúng độ tuổi và phổ cập bậc trung học cơ sở. Phong trào khuyến học - khuyến tài phát triển đều khắp theo hướng xây dựng xã hội học tập. Nguồn nhân lực ngày càng được xây dựng và phát triển đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp đổi mới, phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Trình độ khoa học kỹ thuật và việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất và đời sống của cán bộ và các tầng lớp nhân dân ngày càng được nâng lên.
Công tác bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa được chú trọng đầu tư: toàn huyện có 31 di tích lịch sử văn hóa; trong đó, có 6 di tích xếp hạng cấp Quốc gia, 3 di tích cấp tỉnh và 22 di tích cấp huyện. Có 17 di tích lịch sử cách mạng và danh thắng. Di sản văn hóa phi vật thể ở huyện đa dạng phong phú với các hình thức văn hóa còn lưu giữ như lễ hội, tết cổ truyền của các dân tộc, văn tế, sắc phong và lễ hội rước đèn Trung thu hàng năm. Nhiều di tích được Nhà nước và nhân dân đầu tư, đóng góp để tu bổ, tôn tạo. Ngày hội “Văn hóa thể thao” các dân tộc và các đình làng trong huyện đều duy trì tổ chức lễ hội hàng năm. Các làng nghề truyền thống, các món ẩm thực của nhiều dân tộc được đầu tư phát triển và lưu giữ. Riêng làng gốm thôn Bình Đức, xã Phan Hiệp được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch công nhận Danh mục văn hoá phi vật thể cần bảo tồn và phát triển.
Thời gian qua, một số đoàn khách nước ngoài đã đến thăm và nghiên cứu văn hoá Chăm tại huyện với các nội dung đã được thông qua theo quy định của cơ quan quản lý văn hoá; nghệ nhân làm gốm thủ công ở làng Bình Đức (Phan Hiệp) được mời sang Nhật Bản để biểu diễn thể nghiệm phục vụ nghiên cứu bảo tồn văn hóa phi vật thể là những kết quả bước đầu trong việc mở rộng giao lưu quốc tế về văn hoá của huyện nhà.
Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được đông đảo nhân dân đồng tình hưởng ứng nếu năm 1998 có 13.730 hộ đăng ký, cuối năm bình chọn 9.278 hộ đạt danh hiệu gia đình văn hoá đạt 67,6% thì đến năm 2012 có 25.949 hộ đăng ký và cuối năm bình chọn 22.939 hộ đạt 88,4%. Năm 2001 có 30/36 cơ sở thờ tự đăng ký với 14 cơ sở thờ tự được công nhận vào cuối năm thì đến nay đã có 43 cơ sở thờ tự đăng ký và 39 cơ sở thờ tự được công nhận. Năm 2003 có 03 dòng tộc đăng ký dòng tộc văn hoá, đến nay đã có 39 dòng tộc đăng ký và đã công nhận 36 dòng tộc đạt danh hiệu dòng tộc văn hoá. Năm 2000 có 15 thôn, khu phố đăng ký xây dựng thôn, khu phố văn hoá, đến nay đã có 75 thôn, khu phố đăng ký xây dựng góp phần xoá đói, giảm hộ nghèo, tăng hộ khá; bộ mặt nông thôn xanh - sạch - đẹp, hạn chế các tệ nạn xã hội, an ninh trật tự cơ bản được giữ vững. Năm 1998 chỉ có 25/102 cơ quan đạt danh hiệu nếp sống văn minh, đến năm 2012 có 151/170 cơ quan đạt chuẩn văn hoá, chiếm 89,4%. Việc thực hiện mở rộng cuộc vận động giáo dục lòng yêu nước, yêu quê hương và phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” bằng các hình thức phong phú, thiết thực đã góp phần tích cực xây dựng nền văn hóa mới xã hội chủ nghĩa trên địa bàn; khẳng định vị trí quan trọng và cấp bách của văn hóa trong sự nghiệp xây dựng và phát triển, các hình thức đấu tranh trên mặt trận tư tưởng và văn hóa ở địa phương được tăng cường.
Trong 15 năm qua đã đầu tư hơn 15 tỷ đồng xây dựng sân vận động và nhà thi đấu huyện, 07 nhà văn hoá xã; 02 nhà văn hoá thôn; 62 nhà sinh hoạt cộng đồng thôn, khu phố kinh phí đầu tư xây mới và nâng cấp với kinh phí 7,4 tỷ đồng; đầu tư 22 tỷ xây dựng Trung tâm trưng bày Văn hoá Chăm. Thiết chế văn hoá hiện có 07 nhà văn hóa xã, 02 nhà văn hóa thôn vùng dân tộc, 71 nhà sinh hoạt cộng đồng, 05 sân khấu ngoài trời, 08 Bưu điện văn hóa xã, 06 khu vui chơi giải trí; 01 đội chiếu phim lưu động, 01 Đài Truyền thanh - TPTH cấp huyện; 18 Trạm truyền thanh không dây. Nhìn chung, các thiết chế đã phát huy có hiệu quả trong việc sử dụng phục vụ nhân dân. Thư viện huyện được củng cố, bảo đảm 20 số báo, bổ sung trên 800 bản sách mới; luân chuyển về cơ sở trên 200 lượt với gần 10.000 bản sách, báo. Ngoài ra, thực hiện luân chuyển sách đến các Bưu điện văn hoá xã, phòng đọc sách cơ sở phục vụ rộng rãi bạn đọc.
Nhìn chung, qua 15 năm triển khai Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc việc lãnh, chỉ đạo của các cấp ủy đảng đối với công tác xây dựng và phát triển văn hóa luôn được quan tâm, hiệu quả lãnh đạo có được nâng lên; công tác quản lý nhà nước về văn hóa luôn được bảo đảm; vai trò của Mặt trận, đoàn thể chính trị - xã hội và hội quần chúng, các tổ chức nghề nghiệp trong việc vận động quần chúng xây dựng và phát triển sự nghiệp văn hóa thể hiện rõ nét, sinh động, hiệu quả. Nhân dân có ý thức hưởng ứng thực hiện công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao từ huyện đến cơ sở dấy lên sôi nổi. Di tích lịch sử văn hóa luôn được giữ gìn và đầu tư sửa chữa, tôn tạo; các mặt phong trào ngày được nâng lên về số lượng và chất lượng. Việc tổ chức ngày hội văn hóa, thể thao ngày càng đổi mới, tiến bộ, không có tình trạng lợi dụng để kinh doanh trục lợi, từng bước xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan, thay vào sự văn minh tiến bộ trong cách nghĩ, cách làm, tiết kiệm được thời gian và tiền bạc của nhân dân.
Tuy nhiên, sự nghiệp văn hóa thông tin của huyện nhà chưa đáp ứng được nhu cầu hưởng thụ của quần chúng; công tác vận động nhân dân tham gia phong trào văn hóa văn nghệ chất lượng chưa cao; phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” chuyển biến chưa đều, chưa có nhiều mô hình thật sự tiêu biểu, chưa trở thành động lực mạnh mẽ thúc đẩy các mặt hoạt động khác trong đời sống xã hội.
Những kết quả đạt được trong 15 năm qua là bước tiến cũng là tiền đề giúp huyện Bắc Bình tiếp tục phấn đấu đạt được nhiều thành tựu nổi bật hơn nữa trong xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc./.
 
                                                            Hoàng Nguyên

  • |
  • 952
  • |

Các tin khác