Thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TW của Ban Bí thư (khóa XI) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dạy nghề cho lao động nông thôn các cấp ủy Đảng, chính quyền, cơ quan, đơn vị trên địa bàn huyện chủ động tổ chức quán triệt kịp thời, nghiêm túc nội dung Chỉ thị số 19-CT/TW và các chương trình, kế hoạch của các cấp ủy đảng, chính quyền; đồng thời cụ thể hóa thành những văn bản, chương trình, kế hoạch gắn với các chương trình, nhiệm vụ của mỗi cơ quan, đơn vị, từng bước nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng cũng như yêu cầu của việc dạy nghề cho lao đông nông thôn. Tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các chủ trương, chính sách đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên hệ thống truyền thanh các xã, thị trấn, lồng ghép vào các buổi sinh hoạt tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ đoàn viên, hội viên và nhân dân. Cấp phát 4.000 tờ rơi tuyên truyền về chủ trương chính sách đào tạo. Mỗi quý đài truyền thanh tiếp phát truyền hình huyện đều làm phóng sự về công tác tuyên truyền, tư vấn học nghề và việc làm. Đồng thời, trưởng thôn, khu phố đều là cộng tác viên, tuyên truyền viên nên công tác tuyên truyền, tư vấn học nghề và việc làm được thường xuyên, sát dân. Thông qua việc tuyên truyền giúp cho cán bộ, đảng viên, nhân dân hiểu được chính xác, đầy đủ những nội dung của các chính sách; qua đó nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về vai trò, vị trí chiến lược và lợi ích của công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn không chỉ nâng cao trình độ tay nghề còn góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập, nâng cao mức sống cho người lao động.
Để thu hút được lao động nông thôn tham gia học nghề huyện tập trung đẩy mạnh các giải pháp, đổi mới phương pháp đào tạo đảm bảo về chất lượng và đa dạng hóa ngành nghề, đáp ứng nhu cầu của người lao động. Tập trung vào các nghề phi nông nghiệp theo cơ cấu phát triển dịch vụ, thương mại và công nghiệp. Hàng năm trên cơ sở nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương chú trọng vào việc định hướng tổ chức đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm và quy hoạch dạy nghề cho lao động nông thôn, rà soát nhu cầu học nghề của người lao động, phân loại đối tượng để làm cơ sở xây dựng kế hoạch dạy nghề đảm bảo hiệu quả thiết thực, đào tạo gắn với thị trường lao động và nhu cầu thực tế của người lao động; nâng cao chất lượng đào tạo nghề gắn với tư vấn, giới thiệu việc làm và tạo việc làm mới. Ngân hàng, tổ chức tín dụng tạo mọi điều kiện thuận lợi để người nghèo, cận nghèo và người lao động được vay vốn giải quyết việc làm, mở rộng sản xuất, kinh doanh tạo việc làm tại chỗ cho người lao động.
Hiện nay, huyện có 01 cơ sở dạy nghề là Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên đã được đầu tư xây dựng các hạng mục chính để phục vụ công tác dạy và học nghề như: Ký túc xá, phòng học lý thuyết, xưởng thực hành…Cơ sở dạy nghề đã được đầu tư mua sắm trang thiết bị dạy nghề cho 11 nghề: Tin học, điện cơ - điện dân dụng, may dân dụng, sửa chữa môtô, xe máy, xây dựng dân dụng, hàn, cắt gọt kim loại, mộc dân dụng, thiết bị phòng LAB, sửa chữa máy nông nghiệp, dinh dưỡng và kỹ thuật nấu ăn. Bên cạnh đó, Trung tâm còn được kiện toàn tổ chức, biên chế, bổ sung giáo viên cơ hữu, do vậy đáp ứng được nhu cầu đào tạo nghề của người dân trên địa bàn huyện trong tình hình hiện nay.
Từ năm 2012 đến tháng 09/2017 huyện đã mở 152 lớp với 4.303 người học xong chương trình dạy nghề và được cấp chứng chỉ. Trong đó có 3.574 người có việc làm sau học nghề, đạt 83,06% chủ yếu tự tạo việc làm cho bản thân và gia đình. Lao động được đào tạo chủ yếu là các đối tượng thuộc diện được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, hộ nghèo, hộ có thu nhập thấp, người DTTS, người tàn tật, người bị thu hồi đất canh tác, lao động nữ và lao động nông thôn khác. Qua 5 năm triển khai thực hiện, tổng số kinh phí hỗ trợ cho người đi học là 9,034 tỷ đồng; trong đó: hỗ trợ tiền học phí: 5,014 tỷ đồng và hỗ trợ tiền ăn: 4,020 tỷ đồng. Đồng thời, Ngân hàng chính sách huyện tạo điều kiện cho các học viên sau đào tạo nghề vay vốn quỹ quốc gia hỗ trợ việc làm với tổng số tiền cho vay là 17,97 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 1.287 lao động
Đạt được kết quả nêu trên trước hết phải nói đến vai trò của các cấp ủy Đảng, sự quan tâm chỉ đạo của chính quyền và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; sự tham mưu tích cực của các cơ quan, đơn vị chức năng trong công tác dạy nghề cho lao động nông thôn; phát huy vai trò tích cực của trung tâm học tập cộng đồng tại các xã, thị trấn, từng bước đã tác động đến nhận thức của người lao động về công tác đào tạo nghề, số lượng người tham gia học nghề hàng năm tăng. Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã góp phần nâng cao trình độ tay nghề cho lao động nói chung và lao động nông thôn nói riêng, thông qua đó người lao động được lựa chọn những ngành nghề phù hợp với bản thân và gia đình, học và phát huy được những điều đã học áp dụng vào quá trình sản xuất, kinh doanh đảm bảo có hiệu quả, tạo được việc làm và thu nhập ổn định, góp phần phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn huyện.
Song, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn chưa thật sự đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; chưa gắn với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Bản thân lao động nông thôn chưa nhận thức được tầm quan trọng của việc học nghề nên công tác vận động, tuyên truyên gặp nhiều khó khăn. phần đông đều làm nông nghiệp nên khi vào mùa vụ, họ chủ yếu đi làm để kiếm sống nên thường xuyên vắng mặt trong những buổi học. Việc tuyển dụng lao động của một số doanh nghiệp, chủ cơ sở... chưa chú trọng đến chất lượng lao động và chỉ thông qua đào tạo của doanh nghiệp, cơ sở mình là chính nên không khuyến khích được lao động có tay nghề, do đó chưa thu hút các đối tượng tham gia học nghề.
Do vậy để công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn được duy trì và phát triển; trong thời gian đến, huyện cần tổ chức khảo sát, đánh giá nhu cầu học nghề của người lao động, phân loại đối tượng để dạy nghề, đào tạo nghề phải gắn với thị trường lao động và nhu cầu thực tế của người lao động nhằm phát huy được ngành nghề đã được học đảm bảo sau học nghề học viên tự tạo được việc làm. Thực hiện có hiệu quả công tác đào tạo nghề theo nhu cầu học nghề của người lao động, gắn với các chương trình, đề án phát triển kinh tế triển khai trên địa bàn huyện. Làm tốt công tác định hướng nghề nghiệp cho người lao động trên cơ sở mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, gắn với thị trường lao động trong và ngoài huyện; tổ chức dạy nghề phải gắn với giải quyết việc làm cho người lao động. Đồng thời, kiến nghị tỉnh nên có những chính sách ưu đãi thiết thực hơn nhằm thu hút, kêu gọi các tổ chức, doanh nghiệp vào đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh để tạo ra nhiều vị trí, việc làm cho người lao động và sau khi học nghề được vay vốn tạo việc làm, phát triển sản xuất./.