Nhiều mô hình hay, cách làm tốt trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Bắc Bình

Thời gian qua, trên điạ bàn huyện Bắc Bình, nhất là trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số huyện ta xuất hiện nhiều mô hình hay, có nhiều cách làm tốt góp phần nâng cao hiệu quả công tác dân vận trong tình hình mới, tháo gỡ khó khăn, ổn định kinh tế, làm thay đổi bộ mặt nông thôn, giữ vững an ninh trật tự.

        Phan Điền là xã miền núi của huyện Bắc Bình, đời sống của đồng bào nơi đây còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên với tinh thần đoàn kết, đùm bọc lẫn nhau, nhất là việc hợp tác trong nông nghiệp, đã giúp cho người nông dân không cần tốn tiền thuê mướn khi vào mùa vụ, vừa thắt chặt tình làng nghĩa xóm.

        Có mặt tại sân phơi nông sản của xã Phan Điền, chúng tôi nhận thấy không khí làm việc của nông dân điạ phương thật nhộn nhịp, khẩn trương. Điểm khác biệt so với những nơi khác là khi đến vụ thu hoạch lúa, các nhân công tại đây chung tay giúp nhau bằng cách “vần đổi công”. Chị Chế Thị Chao, ở thôn Tân Điền, Phan Điền cho biết: Ban đầu, nông dân trong xã chủ yếu giúp nhau  theo kiểu hai hộ trực tiếp vần công, trả công với nhau; về sau thấy hình thức này có lợi cho gia đình nên các thành viên mở rộng ra, áp dụng cho nhiều hộ cùng sản xuất gần nhau, bà con họ hàng sống lân cận nhau hoặc phơi nông sản cùng một chỗ.  Nhà nào cần thu hoạch thì các hộ cùng đến làm giúp; hôm sau đến lượt nhà khác thu hoạch, cả nhóm lại đến giúp. Thậm chí có nhiều trường hợp như chị Hoàng Thị Bình, không sản xuất lúa nhưng luôn nhiệt tình giúp các gia đình mỗi khi vào mùa vụ.

       Xã Phan Điền hiện có 250 ha lúa sản xuất 3 vụ ăn chắc và công việc vần đổi công được nông dân trong xã Phan Điền tiến hành từ nhiều năm nay. Hình thức này không chỉ giúp các hộ giảm chi phí, mà qua đó, các nông dân cùng nhau giám sát quá trình sản xuất để kịp thời tìm ra giải pháp chăm sóc và chia sẻ kinh nghiệm để tránh thua lỗ và ổn định thu nhập sau mỗi mùa vụ.

       Thôn Thanh Kiết, Xã Phan Thanh là địa bàn khá phức tạp về an ninh trật tự nhưng từ khi Mô hình “Chức sắc tôn giáo tham gia giữ gìn an ninh trật tự” đi vào hoạt động, tình hình đã có chuyển biến tích cực nhờ những đóng góp quan trọng của chức sắc tôn giáo.

       Từ nhiều năm nay thực hiện phương châm sống “Tốt đời, đẹp đạo”, cũng như với vai trò là Sư cả chùa Thanh Kiết, Tổ trưởng tổ nòng cốt mô hình “Chức sắc tôn giáo tham gia giữ gìn an ninh trật tự”, Ông Xích Dự luôn chủ động vận động các  quần chúng tín đồ tích cực tham gia đấu tranh, phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội, giữ gìn an ninh trật tự ở địa phương. Trong những dịp Tết, Lễ Hội của dân tộc Chăm theo đạo Bà ni, Sư cả lồng ghép vào các bài giảng,  giáo dục cho các tu sĩ và tín đồ tự giác chấp hành, làm tốt công tác quản lý, giáo dục con em trong gia đình không phạm tội, dần xóa bỏ những phong tục lạc hậu, tốn kém góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc Chăm. Đặc biệt, các vị chức sắc luôn gắn vai trò, trách nhiệm của bản thân trong việc giữ vững ổn định an ninh trật tự  địa bàn.

       Phan Thanh có 7 thôn, 4 dân tộc anh em cùng sinh sống, gồm Chăm, Kinh, Nùng và Hoa, trong đó đồng bào Chăm chiếm 86% dân số, nhân dân chủ yếu sống bằng nghề nông. Những năm trước, tình hình an ninh trật tự trên địa bàn xã diễn biến khá phức tạp, tội phạm có chiều hướng gia tăng, nhưng từ khi có mô hình Chức sắc tôn giáo tham gia đảm bảo an ninh trật tự  tại các chùa Châu Hanh, Cảnh Diễn và Thanh Kiết thì tình trạng trên cải thiện rất nhiều.

       Từ hiệu quả của Mô hình “Chức sắc tôn giáo tham gia giữ gìn an ninh trật tự” của xã Phan Thanh. Đảng ủy, UBND Xã Phan Hòa tổ chức ra mắt mô hình: “Chức sắc tôn giáo, nhân sĩ trí thức và người có uy tín trong tộc họ tham gia giữ gìn an ninh trật tự” tại Thôn Bình Minh với điểm mới là ngoài nhân sĩ trí thức, còn cơ cấu mỗi tộc họ từ 1-3 người tham gia, trong đó nòng cốt là các chức sắc, đồng thời thành lập các ban giữ gìn an ninh trật tự chung, ban phụ trách hòa giải an ninh trật tự và 29 tổ vận động tộc họ giữ gìn an ninh trật tự. Đây đều là những người có sức khỏe, có uy tín trong quần chúng nhân dân, am hiểu pháp luật, nhiệt tình với công việc, tự giác chấp hành nghiêm pháp luật của Nhà nước và các quy định tại địa phương, có tinh thần kiên quyết đấu tranh phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội và các hành vi vi phạm pháp luật khác. Với phương châm “Tốt đời, đẹp đạo” Chức sắc Thôn Bình Minh vận động, tuyên truyền, giáo dục, thuyết phục các thành viên trong cơ sở tôn giáo và tín đồ chấp hành pháp luật về an ninh trật tự, tham gia xây dựng khu dân cư an toàn về an ninh trật tự, bảo vệ bình yên của nhân dân.  

       Phan Hiệp là xã thuần đồng bào dân tộc Chăm, những năm gần đây, cuộc sống của người dân trong xã nói chung và thôn Bình Tiến nói riêng đã được cải thiện rõ rệt. Trước đây, đời sống kinh tế gia đình ông Kim Ngọc Thành cũng khó khăn như bao gia đình khác; vừa đi dạy học, ông Thành vừa canh tác thêm ruộng rẫy. Từ ngày về hưu, ông đã mạnh dạn chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng thanh long ruột trắng, thấy có thu nhập cao nên ông tiếp tục mở rộng diện tích trồng thanh long ruột đỏ. Đất không phụ lòng người cần cù chịu thương, chịu khó, những năm gần đây, vườn thanh long của nhà ông Thành luôn được mùa và trúng giá. Lợi nhuận thu được, ông đầu tư xây nhà nuôi chim yến.

       Ngoài làm giàu cho bản thân mình, ông thường xuyên tuyên truyền cho bà con chuyển đổi cây trồng có hiệu quả kinh tế, từ đất sản xuất lúa kém hiệu quả, đất sản xuất hoa màu bấp bênh qua trồng thanh long, vận động bà con tham gia các lớp tập huấn khoa học, kỹ thuật về cây trồng do xã, huyện tổ chức qua đó áp dụng nhằm tăng năng suất, sản lượng cây trồng. Nghe và làm theo ông đến nay đa số đồng bào dân tộc Chăm xã Phan Hiệp xem thanh long là cây trồng chủ lực, đến nay diện tích thanh long toàn xã là 320 ha, góp phần giúp cho cuộc sống của đồng bào ngày một khá lên thu nhập bình quân đầu người đạt 35 triệu 500 nghìn đồng/năm, góp phần đưa xã nhà đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2017 và giữ chuẩn cho đến nay.

       Sự quan tâm của ông Kim Ngọc Thành  đến đời sống vật chất, tinh thần cho bà con dân tộc Chăm địa phương còn thể hiện ở việc ông thường xuyên vận động đồng bào duy trì văn hóa truyền thống của dân tộc, đồng thời xóa dần các tập tục lạc hậu trong ma chay, cưới hỏi. Là giáo viên về hưu, ông  đặc biệt quan tâm đến việc học hành của con em. Hiện nay, toàn xã, tỷ lệ  trẻ em trong độ tuổi đều được đến trường đạt 100% . Đồng thời tuyên truyền cho bà con luôn giữ gìn sự đoàn kết các dân tộc, nâng cao ý thức tự lực, tự cường, tích cực lao động sản xuất, thoát nghèo bền vững. Tâm sự với chúng tôi, ông Kim Ngọc Thành cho biết: “chính sự tín nhiệm của chính quyền địa phương và  lòng yêu mến, tin tưởng của người dân trong thôn, xã giúp ông có thêm động lực để ông tiếp tục phấn đấu trong mọi mặt để  đồng bào Chăm học hỏi và làm theo”.

      Các mô hình, điển hình trên đã có những cách làm hay, thiết thực tập trung giải quyết nhiều việc mới, việc khó ở cơ sở. Qua đó khơi dậy tinh thần thi đua yêu nước, góp phần tập hợp sức mạnh tổng hợp cả hệ thống chính trị và nhân dân các dân tộc trong huyện, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ của địa phương./.


Các tin khác