Bắc Bình: đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội

       Quan tâm đến công tác đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn, trình độ quản lý cho cán bộ, công chức, viên chức, huyện đã phối hợp tổ chức, đăng ký đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ, công chức cấp huyện và xã qua các năm với tổng số lượng 1.322 người. Ngoài ra, đối với một số công chức, viên chức chưa đáp ứng tiêu chuẩn về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, huyện sẽ tạo điều kiện thuận lợi về thời gian để đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ. Đến nay, toàn huyện có 445/572 cán bộ, công chức, viên chức đạt trình độ chuyên môn từ đại học trở lên, đạt tỷ lệ 78% (trong đó, trình độ thạc sỹ: 04); 552/572 cán bộ, công chức, viên chức có trình độ chính trị sơ cấp trở lên, đạt tỷ lệ 97% (cử nhân, cao cấp: 50; trung cấp: 329; sơ cấp: 173); có 420/572 cán bộ, công chức, viên chức được bồi dưỡng kiến thức về quản lý nhà nước (chuyên viên cao cấp: 02; chuyên viên chính: 39; chuyên viên: 83, chính quyền cơ sở: 296). Công tác đào tạo, bồi dưỡng và tạo nguồn cán bộ người dân tộc thiểu số luôn được huyện đặc biệt quan tâm. Trên địa bàn huyện hiện nay có 197 cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số (cấp huyện: 38, cấp xã: 159). Đến nay đội ngũ cán bộ, công chức được đào tạo cơ bản ngày càng được tăng cường, nhờ đó chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức nói chung và cán bộ là người dân tộc thiểu số nói riêng ngày càng trưởng thành và lớn mạnh về nhiều mặt. Cán bộ, công chức người dân tộc thiểu số cũng được đưa vào quy hoạch cán bộ chủ chốt: quy hoạch Ban Chấp hành Đảng bộ huyện: cán bộ là người dân tộc thiểu số 17/79 đồng chí - tỷ lệ 21,51%; quy hoạch Ban Thường vụ Huyện ủy: cán bộ là người dân tộc thiểu số có 02/21 - tỷ lệ 9,5 %. Hầu hết cán bộ đương chức, cán bộ quy hoạch đều được cử đi đào tạo, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ chuyên môn theo tiêu chuẩn chức danh dự kiến.

        Song song công tác đào tạo cán bộ, công chức, việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn cũng được chú trọng, quan tâm; trong 05 năm qua, huyện đã đào tạo cho 2.503 lao động; kết quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên lĩnh vực phi nông nghiệp cũng được tăng lên rõ rệt với 529 lao động; tỷ lệ lao động có việc làm qua đào tạo (gồm 2.241 lao động), đạt 85% trở lên. Nông dân thường xuyên được đào tạo, bồi dưỡng kiến thức nông nghiệp mới, hiện đại; tiếp cận với khoa học kỹ thuật, công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp như: áp dựng hệ thống tưới nhỏ giọt, tưới phun tiết kiệm nước đối với một số cây trồng; sản xuất nông nghiệp trong nhà lưới, nhà bạt; sử dụng kỹ thuật trong xử lý ra hoa trái vụ,…, qua đó giúp tăng giá trị sản xuất nông nghiệp. Công tác chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi cũng đạt được những kết quả quan trọng: Ứng dụng hệ thống điều khiển tự động cho ăn, cho uống, hệ thống điều hòa nhiệt độ trong chăn nuôi trang trại, sử dụng thức ăn tổng hợp trong chăn nuôi để tăng năng suất, chất lượng thịt, trứng đáp ứng nhu cầu thị trường, rút ngắn thời gian chăn nuôi. Tỉ lệ lai tạo các giống bò, dê mới cho năng suất, chất lượng cao... đạt trên 90% do triển khai công tác chọn lọc giống, phối giống thụ tinh nhân tạo. Ngoài ra, hàng năm, UBND huyện đã chỉ đạo Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội cùng với các đơn vị dạy nghề phối hợp với các công ty, doanh nghiệp để tuyên truyền, vận động các chủ doanh nghiệp sắp xếp bố trí cho người lao động tham gia các lớp học ngắn ngày, lớp tập huấn về các ngành nghề mới tại địa phương như: Kỹ thuật trồng cây thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP, trồng sen lấy củ,…. 

       Nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao đóng vai trò quyết định đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương. Vì vậy, với kết quả đạt được, huyện Bắc Bình sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trên tất cả các lĩnh vực; trong đó, chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có chuyên môn phù hợp với từng vị trí việc làm; chú trọng xây dựng cán bộ nữ, cán bộ trẻ có triển vọng và đảm bảo tính kế thừa. Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng kiến thức khoa học kỹ thuật. Tăng cường công tác đào tạo nghề mới có thế mạnh của địa phương, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật mới trong sản xuất. Tăng cường nguồn lực về con người và đầu tư thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp trên địa bàn huyện; thu hút các thành phần kinh tế đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; đào tạo nguồn nhân lực kể cả cán bộ kỹ thuật có trình độ chuyên môn sâu và kỹ thuật viên trong lĩnh vực nông nghiệp, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao;...