Theo thống kê trong năm 2017 số lượng khách đến tham quan du lịch 165.000 lượt khách và 6 tháng đầu năm 2018 có 90.000 lượt khách; trong đó, tỉ lệ khách trong nước chiếm 70% và tỉ lệ khách quốc tế chiếm 30%. Khách tham quan tập trung chủ yếu tại các điểm du lịch Bàu Trắng. Đối với các điểm du lịch đập Đồng Mới, đập Đồng Măng, hồ Piscin, hồ Cà Giây phần lớn là khách của địa phương tập trung vào những ngày lễ, tết.
Toàn huyện đến nay có 30 dự án du lịch, công tác quản lý quy hoạch các khu du lịch được huyện quan tâm thực hiện trên cơ sở Quy hoạch tổng thể và Quyết định chấp thuận đầu tư của tỉnh. UBND huyện tổ chức rà soát, điều chỉnh việc chồng lấn giữa quy hoạch phát triển du lịch với quy hoạch 3 loại rừng và khoáng sản gắn với thường xuyên kiểm tra, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi để các dự án triển khai xây dựng và đưa vào hoạt động. Việc đầu tư kết cấu hạ tầng phát triển du lịch trên địa bàn huyện được UBND tỉnh quan tâm đầu tư hoàn thành nâng cấp tuyến đường giao thông ven biển Phan Thiết - Hòa Thắng nối liền TD 716 B- tuyến đường Quốc lộ 1A, tuyến Quốc lộ nối Mũi Né - Bắc Bình - Lâm Đồng và tuyến đường Hòa Thắng- Hòa Phú. Về phía huyện tập trung xây dựng các công trình tại điểm du lịch Bàu Trắng phục vụ khách tham quan, lưu trú; hệ thống mạng lưới điện, thông tin liên lạc, hệ thống cấp nước sinh hoạt cho các khu quy hoạch du lịch…Xác định lợi thế của địa phương, chủ trương phát triển du lịch của huyện là đa dạng về loại hình, tận dụng cảnh quan thiên nhiên, khai thác các di tích lịch sử văn hóa, truyền thống cách mạng để phát triển du lịch; vì vậy, việc chỉnh trang, tôn tạo các di tích văn hóa, hoạt động kinh doanh phục vụ du lịch cũng được quan tâm như đầu tư xây dựng, trùng tu, sửa chữa các di tích lịch sử văn hóa Trung tâm bảo tàng văn hóa Chăm, đình làng Xuân An 2…
Hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch của huyện trong thời gian qua được chú trọng và thực hiện bằng nhiều hình thức như thông qua Website hiệp hội du lịch tỉnh, website du lịch của điểm du lịch Bàu Trắng, trang thông tin điện tử huyện, Facebook. Các sự kiện văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao của huyện được duy trì hàng năm, quan tâm mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng tổ chức để thu hút du khách như: Hội trại Thanh niên, giải bơi, chạy, trượt đồi cát mở rộng, đêm thơ huyền diệu Khu Lê, thể thao 4 xã miền núi, bóng rổ Hải Ninh mở rộng, hội thi văn hóa - thể thao các thôn vùng sâu...Các hoạt động giới thiệu các làng nghề và các sản phẩm gốm gọ, dệt thổ cẩm, bánh tráng, con dông Khu Lê và bản sắc nghệ thuật văn hóa Chăm cũng góp phần quảng bá, giới thiệu nét văn hóa độc đáo của dân tộc Chăm, là điểm đến của các tour du lịch để tham quan, tìm hiểu đặc trưng văn hóa của dân tộc. Ngoài ra, tại Trung tâm Trưng bày văn hóa Chăm vào những dịp tết Nguyên đán, lễ hội Katê, lễ hội Ramưwan của đồng bào Chăm thường tổ chức các cuộc thi nhằm quảng bá, thu hút khách tham quan, nghiên cứu như: Liên hoan tiếng hát dân gian Chăm và trình diễn trang phục truyền thống; hội thi tay nghề dệt thổ cẩm, gốm gọ; hội thi các môn văn hóa dân gian như trống Ghi năng, kèn Saranai, ẩm thực (cách làm bánh gừng, bánh sakaya và peinung để trang trí lễ vật dâng cúng Katê).
Nhằm phục vụ tốt hơn cho khách du lịch, huyện phối hợp với các trung tâm mở các lớp đào tạo phục vụ lễ tân, nhà hàng, mở lớp tập huấn về kiến thức du lịch cộng đồng cho cán bộ, công chức, viên chức và nghệ nhân các làng nghề; các lớp tập huấn chuyên môn, văn hóa kinh doanh, kỹ năng giao tiếp ứng xử cho các hộ kinh doanh buôn bán và niêm yết giá cả dịch vụ, tham gia các chương trình đào tạo kỹ năng quản lý, hoạt động kinh doanh du lịch. Đồng thời, chú trọng triển khai các giải pháp về môi trường du lịch, kiểm soát giá cả, chất lượng dịch vụ phục vụ cho du khách bảo vệ hình ảnh điểm đến. Công tác an ninh trật tự, cứu hộ, an toàn du khách, vệ sinh môi trường tại các điểm du lịch cũng được sự quan tâm chỉ đạo, triển khai thực hiện đồng bộ các biện pháp đảm bảo môi trường văn hóa văn minh du lịch, an ninh trật tự tại điểm du lịch, kiểm soát, quản lý các hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch, tăng cường các biện pháp đảm bảo vệ sinh môi trường, chống chèo kéo, ép giá gian lận, xâm hại đến tài sản và tính mạng du khách; xây dựng hình ảnh du lịch huyện nhà là điểm đến an toàn, tạo điều kiện phát triển du lịch bền vững. Bên cạnh đó, việc trồng rừng phủ xanh các đồi trọc phục vụ cho phát triển du lịch được tăng cường.
Tuy nhiên, so với mục tiêu đề ra, du lịch huyện nhà phát triển vẫn còn chậm, công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, kêu gọi đầu tư dự án du lịch còn nhiều bất cập, vướng mắc. Công tác tuyên truyền quảng bá chưa đi vào chiều sâu, chưa tạo sự gắn kết với các đơn vị tổ chức, cá nhân làm du lịch mang tính chuyên nghiệp; chưa khai thác tốt các tiềm năng lợi thế để phát triển du lịch sinh thái, núi, rừng, du lịch dã ngoại. Các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc trong huyện, loại hình và sản phẩm du lịch chưa thật sự đa dạng để thu hút khách; chưa giải quyết căn bản mâu thuẫn giữa ngành du lịch với các ngành có lợi thế, nhất là hoạt động khai thác cát đen. Một số cơ sở chưa chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật trong hoạt động kinh doanh, tính liên kết hợp tác giữa các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch chưa chặt chẽ; các trung tâm mua sắm, khu ẩm thực và các công trình di tích văn hóa lịch sử, thư viện, … chưa được đầu tư. Chất lượng nguồn nhân lực phục vụ du lịch còn thiếu và yếu, chưa chuyên nghiệp. Nội dung các sự kiện văn hóa, thể thao, nhất là các lễ hội truyền thống chưa thật sự đa dạng, hấp dẫn để thu hút du khách. Hoạt động lữ hành, hướng dẫn du lịch còn hạn chế.
Để bảo đảm du lịch huyện nhà ngày càng phát triển tương xứng với tiềm năng hiện có; các cơ quan, ban, ngành, địa phương cần tiếp tục quán triệt sâu kỹ và tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đã đề ra trong Kế hoạch số 97-KH/HU của Ban chấp hành Đảng bộ huyện (khóa XI) về triển khai thực hiện thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ chính trị (Khóa XII) về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; đồng thời, đẩy mạnh quán triệt, tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển du lịch nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về vị trí, vai trò của ngành du lịch. Tăng cường công tác quản lý các quy hoạch; hỗ trợ, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các dự án đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt đang còn hiệu lực triển khai thực hiện. Tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ du lịch, chú trọng làm tốt công tác trùng tu, tôn tạo các di tích văn hóa - lịch sử, các danh lam thắng cảnh, nâng cấp các điểm tham quan phục vụ du khách. Nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch hiện có; tích cực phát triển các sản phẩm du lịch mới, sản phẩm mang tính chất đặc trưng, đặc sắc của địa phương. Quan tâm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ du lịch; tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về du lịch, các kỹ năng giao tiếp; đồng thời phổ biến bộ quy tắc ứng xử văn minh du lịch đến cán bộ, đảng viên, người dân trong vùng quy hoạch phát triển du lịch, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, môi trường du lịch. Tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về du lịch; tăng cường quản lý môi trường, bảo đảm an ninh, an toàn cho du khách./.