Bắc Bình: Phát triển nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới

Để kinh tế nông nghiệp phát triển một cách toàn diện gắn với đẩy mạnh phong trào xây dựng nông thôn mới, trong những năm qua, huyện Bắc Bình đã tập trung phát huy lợi thế; chú trọng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; chuyển giao, ứng dụng khoa học kỹ thuật; từng bước hình thành các vùng sản xuất hàng hoá tập trung, nâng dần chất lượng, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu thị trường; từ đó góp phần phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương; đổi mới bộ mặt nông thôn và nâng cao đời sống nhân dân một cách rõ rệt.

       Để đạt được những kết quả trên, huyện Bắc Bình chú trọng sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững; hình thành một số vùng sản xuất tập trung như: vùng cây thanh long 2.500ha ở Phan Rí Thành, Hồng Thái; vùng cây ăn quả (xoài, bưởi) 2.218 ha tập trung ở các xã Sông Bình, Sông Lũy, Bình An, Bình Tân; vùng sản xuất lúa ổn định 11.000ha. Một số cây trồng trên vùng đất cát tiếp tục được phát triển như: thanh long, đậu phộng, dưa lưới ở xã Hòa Thắng, Hồng Phong. Đồng thời, nhân rộng các mô hình hiệu quả; chú trọng ứng dụng công nghệ, kỹ thuật cao để tạo ra sản phẩm đạt chất lượng, đảm bảo nhu cầu của thị trường như: Thực hiện mô hình trồng cỏ trên đất ruộng gò, khảo nghiệm giống tỏi mới, chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa (02 vụ lúa và 01 vụ bắp), trồng Điều cao sản (Dự án Jica); cây dưa lưới, rau các loại trong nhà màn tại xã Hòa Thắng, Hồng Phong, thị trấn Lương Sơn...; xử lý cành thanh long bị bệnh bằng chế phẩm sinh học BIO-ADB làm phân hữu cơ; thực hiện nuôi lai tạo các giống bò chất lượng cao như: Brahman, Bò 3B, Bò Úc, Dê bách thảo. Bên cạnh đó, tiếp tục theo dõi các mô hình: mô hình trồng dừa xiêm ở 2 xã Hòa Thắng, Hồng Phong; mô hình nâng cao năng suất và chất lượng cây mãng cầu ở 02 xã Sông Bình và Sông Lũy; mô hình cải tạo giống bò hướng chuyên thịt bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo tại 02 xã Hồng Thái và Lương Sơn; mô hình nuôi khép kín tôm thẻ chân trắng trên đất cát,… Diện tích cây trồng (lúa, cây ăn quả, nho nhật, nấm, dược liệu ...) thực hiện ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật công nghệ cao với diện tích là 5.110 ha (trong đó lúa, nếp 135 ha; cây ăn quả 4.750 ha; cây có múi 150 ha; dưa lưới 40 ha; nấm, cây dược liệu: 35 ha), công nghệ ứng dụng như tưới tiết kiệm theo hướng tự động hóa, kèm với dưỡng chất, thuốc bảo vệ thực vật...; ứng dụng phân bón thông minh; ứng dụng mô hình IPM, ICM, SRI (Nông-Lộ-Phơi) trong sản xuất lúa, sản xuất các giống lúa mới ST24, ST25, Đài thơm 8 ... gắn với liên kết chuỗi giá trị; chông đèn thanh long nghịch vụ; sử dụng các chế phẩm sinh học trong xử lý ra hoa nghịch mùa trên cây ăn quả; sử dụng nhà màn, nhà bạt trồng dưa lưới ... nhằm hạn chế việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật; kết quả bước đầu cho thấy các diện tích ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật công nghệ cao cho năng suất, sản lượng và mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với các diện tích sản xuất theo truyền thống. Riêng trong năm 2020 và đầu năm 2021, ngành nông nghiệp huyện Bắc Bình triển khai áp dụng giống mới, tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới trong sản xuất lúa; hỗ trợ liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo Nghị định số 62/2019/NĐ-CP, ngày 11/7/2019 của Chính phủ với diện tích thực hiện 879,99 ha, trong đó: thực hiện liên kết sản xuất giống lúa Đài Thơm 8, ST24, OM84, OM406 với tổng kinh phí thực hiện hơn 05 tỷ đồng và tiếp tục triển khai nhân rộng trong những năm tiếp theo.

       Để có đầu ra ổn định, huyện Bắc Bình đã hỗ trợ liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm. Hàng năm, các địa phương, hợp tác xã nông nghiệp và các hộ dân phối hợp với đơn vị công ty sản xuất lúa giống với diện tích hơn 500 ha. Riêng trong năm 2020 và đầu năm 2021, diện tích chuyển đổi sản xuất giống lúa mới 5.441ha/11.540 ha, đạt 47,14%, trong đó hợp đồng bao tiêu sản phẩm sau thu hoạch hơn 620 ha. Ngoài liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm trong sản xuất lúa, còn có hợp tác xã, trang trại trồng trọt thực hiện liên kết bao tiêu sản phẩm sau thu hoạch với diện tích 1.500 ha với các cây trồng như: dưa lưới, xoài, mít không hạt, nho nhật, rau các loại...). Trang trại chăn nuôi theo hình thức công nghiệp, nuôi gia công gắn với liên kết bao tiêu sản phẩm gồm: 24 trại gia cầm với qui mô 1.030.000 con/năm; 07 trại heo với qui mô 46.800 con/năm; trên 6.000 gia trại chăn nuôi bò lai Sind, 3B, Brahman; toàn huyện có 325 cơ sở dẫn dụ và gây nuôi chim yến; nuôi trồng thủy sản: 35,5 ha nuôi tôm thẻ và 7 ha nuôi ốc hương ứng dụng công nghệ nano đáy. Ngoài ra, thực hiện Kế hoạch số 3100/KH-UBND, ngày 21/8/2019 của UBND tỉnh Bình Thuận, UBND huyện phối hợp với các đơn vị liên quan, UBND các xã, thị trấn, tổ chức đánh giá, xếp loại sản phẩm OCOP trên địa bàn huyện với 05 sản phẩm được đánh giá gồm: Tinh dầu Bạc Hà Bình An (3 sao) nước ép Thanh Long Phúc Hà (4 sao), xoài Sông Bình (3 sao), Thanh Long ruột trắng của hợp tác xã Thanh Long Bắc Bình (3 sao).

       Phát huy tiềm năng, lợi thế phát triển ngành nông nghiệp bền vững, kết hợp xây dựng nông thôn mới giúp kinh tế - xã hội huyện Bắc Bình ngày càng khởi sắc. Đời sống của người nông dân tiếp tục được cải thiện, thu nhập bình quân đầu người ngày càng tăng, tỷ lệ hộ nghèo ngày càng giảm (hơn 1%/năm). Phong trào “chung sức, chung lòng xây dựng nông thôn mới” đang đi vào chiều sâu và đạt kết quả thiết thực; kết cấu hạ tầng nông thôn được tập trung đầu tư theo hướng đồng bộ hơn, đáp ứng tốt hơn việc phục vụ sản xuất và đời sống; các vấn đề bức xúc ở nông thôn được tập trung giải quyết làm cho bộ mặt nông thôn thay đổi tích cực hơn./.


Các tin khác